NHỮNG BÀI GIÁO HUẤN VỀ ĐỨC MARIA
Lm Phan Tấn Thành, OP dịch
Từ nhiều năm qua, Đức Gioan Phaolô II đã dành những buổi tiếp kiến chung vào ngày thứ tư hàng tuần để giải thích Kinh Tin kính, bắt đầu từ Chúa Cha tạo thành vũ trụ, Chúa Con nhập thể và cứu thế, Chúa Thánh Thần nguồn ban sức sống và sự thánh thiện. Chính trong phần thứ ba của Kinh Tin kính, sau khi đã giải thích bản chất và sứ mạng của Hội thánh, Đức Thánh Cha đã dành 70 bài để nói về Đức Maria, kéo dài từ ngày 7.9.1995 đến ngày 13.11.1997.
Ai cũng biết Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II có lòng tôn kính đặc biệt với Đức Mẹ. Khẩu hiệu đã được chọn từ khi làm giám mục đã bộc lộ điều đó: “Totus tuus”, (toàn thân con thuộc về Mẹ), một công thức dâng hiến dựa theo học thuyết của thánh Louis Marie Grignon de Montfort. Đừng kể rất nhiều bài giảng, huấn từ, và những kinh ký thác được soạn vào những hoàn cảnh khác nhau, ngài đã viết một thông điệp về Đức Maria:Redemptoris Mater (Thân mẫu Đấng Cứu chuộc, ngày 25.03.1987). Trong những bài huấn giáo sau đây, với một lối văn đơn giản, ngài muốn trình bày “một toát lược căn bản của lòng tin Hội thánh về Đức Maria” (xc. bài 10). Dựa theo hướng đi của công đồng Vaticano II trong Hiến chế Hội thánh, thiên chức và sứ mạng của Đức Maria được nghiên cứu dựa theo mối tương quan với Đức Kitô (Con Thiên Chúa Nhập thể và Đấng Cứu chuộc nhân loại) và với Hội thánh (Nhiệm thể của Đức Kitô).
Chúng ta có thể phân chia bố cục của 70 bài huấn dụ thành ba phần chính:
I. NHẬP ĐỀ (BÀI 1-11)
Trước hết, Đức Thánh Cha điểm qua những tước hiệu mà các Kitô hữu đã gán cho Đức Maria trải qua lịch sử Hội thánh, – từ những tước hiệu cổ điển đã gặp thấy trong Tân ước (chẳng hạn như: Thân mẫu của Đức Giêsu, Thân mẫu của Đức Emmanuel, Đức Trinh nữ), cho đến những tước hiệu xuất hiện vào thời các giáo phụ (chẳng hạn như : Đức Mẹ Chúa Trời), cũng như những chứng tích về lòng thảo hiếu của các tín hữu dâng lên Người (các kinh nguyện, các lễ phụng vụ, các cuộc hành hương,vv) – . Từ đó, ngài muốn vạch ra vài đường hướng để hiểu rõ hơn bản thân và thiên chức của Đức Mẹ.
1/ Dĩ nhiên, những chân lý đức tin về Đức Maria cần được đặt nền tảng trên Thánh kinh và Thánh truyền (bài 4). Trên thực tế, phần lớn các bài huấn giáo đều dựa trên các bản văn Thánh kinh (cả Cựu ước lẫn Tân ước), được giải thích theo truyền thống của Hội thánh công giáo.
2/ Thần học về Đức Maria (Thánh-Mẫu-học) không phải chỉ là công trình của các cuộc suy tư lý thuyết nhưng đã nhận được sự đóng góp quan trọng do lòng đạo đức bình dân (bài 5). Ngày nay, một yếu tố giúp đào sâu hơn sứ mạng của Đức Maria là “phong trào nữ quyền”, khi vạch ra những đức tính của người phụ nữ cũng như sự đóng góp đặc trưng của nữ giới vào đời sống xã hội (bài 7-8).
3/ Dựa theo công đồng Vaticanô II, bức chân dung của Đức Maria sẽ trở nên phong phú và trung thực khi được đặt trong mối tương quan với Chúa Kitô và với Hội thánh (bài 9). Đức Thánh Cha còn muốn mở rộng ra đến mối tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa nữa (bài 11).
4/ Sau khi nhận ra vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ, cần phải rút ra những hệ luận thực hành cho đời sống của người Kitô hữu: ngưỡng mộ, yêu mến, bắt chước các mẫu gương nhân đức, tin tưởng ký thác (bài 10).
II. ĐỨC MARIA THEO KINH THÁNH
A. Những lời tiên báo trong Cựu ước về vai trò của Đức Maria
1/ Người nữ chiến thắng con rắn: St 3,15 (bài 12)
2/ Những đoạn văn nói về bà Mẹ của Đấng Mêsia: Is 7,14; Mk 5,1-2 (bài 13); và những bà mẹ của các ngôn sứ (bài 14).
3/ Những phụ nữ góp phần vào việc giải phóng dân tộc (bài 15), và những phụ nữ đức hạnh (bài 16).
B. Đức Maria theo Tân ước
Trong các tác phẩm Tân ước, Đức Maria được nói nhiều hơn cả trong Phúc âm theo thánh Luca, đặc biệt là trong hai chương đầu (quen gọi là “Phúc âm thời niên thiếu”).
1/ Đức Gioan Phaolô II đã dừng lại khá lâu (bài 19-33) ở cảnh Truyền tin (Lc 1,26-38), để bàn về các tước hiệu của Đức Maria: “đầy ơn phước” (bài 19), “toàn thánh” (bài 20), “trinh nữ” (bài 26), “nữ tì của Thiên Chúa” (bài 32). Đây cũng là cơ hội để giải thích những chân lý đức tin về “Vô nhiễm nguyên tội” (bài 21-23) và “Trọn đời đồng trinh” (bài 31).
2/ Tiếp đến là những đoạn chú giải trình thuật về cuộc Thăm viếng bà Isave (bài 34-35), Giáng sinh (bài 36)- nền tảng của tín điều “Đức Mẹ Chúa Trời” (bài 37) -, Tiến dâng (bài 39-41), Lạc mất và tìm gặp lại Con trong đền thờ (bài 42).
3/ Trong cuộc đời công khai của Đức Kitô, Phúc âm thánh Gioan để lại haiđoạn văn quan trọng nói về vai trò của Đức Maria trong công trình cứu thế: tại tiệc cưới Cana (bài 44-45) và dưới chân thập giá (bài 47-50).
4/ Sau cùng, chúng ta theo dõi cuộc đời Đức Maria từ khi Chúa Kitô phục sinh (bài 51) và trao ban Thánh Thần, khai trương Hội thánh (bài 52), cho đến khi Người lìa đời (bài 53), đối tượng của tín điều Mông triệu Thăng thiên (bài 54-55).
III. ĐỨC MARIA VỚI HỘI THÁNH
1/ Đức Maria là một phần tử ưu việt của Hội thánh (bài 57-58): Người là điển hình và khuôn mẫu cho Hội thánh: trong chức vụ làm mẹ (bài 59), trong việc chung thủy với Chúa Kitô tựa như trinh nữ với Hôn thê (bài 60), trong việc thực hành các nhân đức (bài 61), trong việc thờ phượng Thiên Chúa (bài 62).
2/ Đức Maria là Mẹ của Hội thánh trong hệ trật ơn sủng (bài 63), đặc biệt là qua việc chuyển cầu cho chúng ta (bài 64-65).
3/ Đáp lại, các tín hữu bày tỏ lòng mộ mến hiếu thảo, qua việc tôn kính (bài 66-68), khẩn cầu (bài 69), và tín thác (bài 70).
Ngoài mục tiêu huấn giáo, thiết tưởng những bài trên đây có thể được sử dụng vào việc suy niệm (đặc biệt khi đọc kinh Mân côi), hoặc học hỏi về Thánh mẫu học. Thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại vài văn kiện quan trọng của Huấn quyền cận đại về Đức Maria:
– Công đồng Vaticano II, Hiến chế tín lý về Hội thánh Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), chương VIII, số 52-69 (ngày 21.11.1964).
– GH Phaolô VI, tông huấn Marialis cultus “Việc tôn kính Đức Maria” (ngày 02.02.1974).
– GH Gioan Phaolô II, thông điệp Redemptoris Mater “Thân mẫu Đấng Cứu thế” (ngày 25.3.1987).
Một sách tham khảo không thể thiếu là Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (ngày 11.10.1992), viết tắt GLCG.
Chúng tôi sẽ quy chiếu các bản văn này khi chú dẫn các bài huấn giáo.